Trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ như hiện nay, nam châm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống. Mới đây, một phát minh mới liên quan đến ứng dụng đất hiếm này đã làm cho người tiêu dùng vô cùng hứng khởi đó là thiết bị tiết kiệm xăng cho ôtô và xe máy “Made in Việt Nam”. Thiết bị ra đời đúng vào lúc giá xăng dầu đang tăng lên chóng mặt giúp xoa dịu nỗi lo xăng tăng giá cho người tiêu dùng!
Thiết bị tiết kiệm xăng ra đời là kết quả trong một lần hết sức “tình cờ”, ngẫu nhiên của tiến sĩ Tiến sĩ Trần Lê Hưng (Viện Khoa học Vật liệu, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia). Ông nhớ lại vào năm 2000, trong một lần mày mò ở phố Huế để tìm mua phụ tùng về sửa cho chiếc xe máy của mình, ông bất chợt nhìn thấy một số sản phẩm tiết kiệm xăng của Mỹ và Nhật bày bán. Nhìn qua loại sản phẩm này, ông đã nhận ra thiết bị được làm từ NdFeB (NeodinsắtBo) – một loại vật liệu từ có từ trường mạnh, hay còn gọi là nam châm vĩnh cửu. Đây là loại vật liệu khá dễ tìm cũng như giá thành rẻ. Nảy ra trong đầu một ý tưởng mới, ông quyết định bỏ ra 800 nghìn đồng mua sản phẩm tiết kiệm xăng của nước ngoài.
Sau đó, ông tháo tung ra để nghiên cứu và nhận thấy: Về nguyên lý, khi xăng chảy qua thiết bị, từ trường do nam châm tạo ra sẽ tác động lên chuỗi hydrocarbone có trong nhiên liệu và tạo ra tần số dao động. Nếu tần số dao động của chuỗi hydrocarbone có trong nhiên liệu cộng hưởng với một trong những tần số dao động do từ trường tạo ra thì dao động sẽ được tăng cường. Khi cộng hưởng, các mạch của các chuỗi hydrocarbone sẽ rung mạnh làm cho chúng bị biến dạng, dãn ra. Điều đó làm thay đổi tính chất hóa lý của nhiên liệu, làm chúng dễ cháy hơn, cháy kiệt hơn dẫn đến hiệu quả giảm triệt để nhiên liệu thừa, nâng cao được hiệu suất động cơ và giảm lượng khí thải độc hại…
Tính năng của thiết bị thực ra không quá phức tạp, nhưng giá thành nhập ngoại tương đối cao so với mức sống của người Việt Nam. Hiểu được khó khăn đó, cũng như thấy được lợi ích lớn của ứng dụng của đất hiếm vào thiết bị này nếu được nghiên cứu cải tiến phù hợp với thị trường trong nước, Tiến sĩ Trần Lê Hưng đã trực tiếp chủ nhiệm và cộng tác cùng các nhà khoa học khác để nghiên cứu đề tài “Ứng dụng vật liệu từ NdFeB từ hóa tiết kiệm xăng dầu và từ hóa nước chống cặn cho nồi hơi”. Trải qua không ít khó khăn, trở ngại sản phẩm đầu tay mang tên ECOMAX đã ra đời thành công.
Đáng lưu ý là khi sử dụng thiết bị tiết kiệm xăng “Made in Việt Nam”, nhiên liệu cháy triệt để, buồng đốt được làm sạch, tăng hiệu suất và tuổi thọ động cơ. Tuy nhiên, đối với mỗi loại xe máy, ô tô cụ thể, cần tiến hành nghiên cứu, đo đạc để xác định cường độ từ trường và vị trí lắp đặt. Ngoài ra, hiệu quả giảm tiêu hao xăng còn phụ thuộc vào vị trí lắp đặt thiết bị trên đường ống dẫn xăng.
Phát minh mới này có hiệu quả ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày. Một lần nữa, chứng tỏ tầm quan trọng không thể thiếu của nam châm đất hiếm đối với con người trong cuộc sống hiện đại.