Nhật Bản và Việt Nam cùng “bắt tay” khai thác đất hiếm

Các lãnh đạo chuyên ngành Việt Nam – Nhật Bản thống nhất thỏa thuận phát triển, khai thác đất hiếm. Đây là một sự liên kết mới nhằm giúp hai bên cùng có lợi trong việc khai thác nguồn năng lượng tiềm năng đang ngày càng cấp thiết này.

Khoáng sản đất hiếm, nam châm đất hiếm đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành sản xuất điện tử và ôtô của Nhật Bản. Trong khi nguồn tài nguyên của nước này lại hạn chế. Việc hợp tác với Việt Nam góp phần giúp nước này có thêm nguồn năng lượng còn về phía Việt Nam sẽ được hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ và có thêm thị trường xuất khẩu. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến thỏa thuận phát triển đất hiếm. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang vừa có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kinh tế – Thương mại Nhật Bản – ông Akaba Kazuyoshi làm rõ hơn cũng như rà soát chặt chẽ tình hình triển khai dự án. Việc khai thác đất hiếm cần có tầm nhìn chung và tiến hành dài hạn đối với chiến lược cùng nhau phát triển. Cả hai cần có quyết tâm và thúc đẩy quá trình triển khai để đáp ứng nhu cầu hai bên.

Trước đó vấn đề này đã được lưu ý tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 31/10/2010 tại Hà Nội. Dự kiến, kế hoạch sản xuất đất hiếm sẽ diễn ra vào năm 2013 tại mỏ Đông Pao thuộc tỉnh Lai Châu theo tờ Nhật báo Nikkei đưa tin. Mục tiêu dự án sẽ cung cấp 20% sản lượng đất hiếm cho Nhật Bản.

Theo đó, hai tập đoàn Toyota Tsusho và Sojitz của Nhật sẽ thành lập liên doanh với công ty khai khoáng Lavreco của Việt Nam để khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) có thể sẽ đầu tư vào liên doanh này. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư vẫn chưa được quyết định.

Nhat-Ban-va-Viet-Nam-cung-bat-tay-khai-thac-dat-hiem
Nhat-Ban-va-Viet-Nam-cung-bat-tay-khai-thac-dat-hiem

Để đạt hiệu quả cao mà vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường, một thỏa thuận đã được đưa ra nhằm kêu gọi thành lập trung tâm nghiên cứu chung ở Hà Nội vào năm 2012. Trung tâm tiến hành phát triển công nghệ tách kim loại đất hiếm khỏi các khoáng sản khác và tinh chế chúng mà không ảnh hưởng nhiều tới môi trường.

Theo như thỏa thuận hợp tác, Nhật sẽ cung cấp thiết bị tách kim loại đất hiếm cũng như các thiết bị xử lý nhiệt. Không chỉ về công nghệ, Nhật còn đầu tư về con người, đó chính là các chuyên gia địa chất để sang hướng dẫn các kỹ sư Việt Nam trong cách phát hiện kim loại đất hiếm bằng cách sử dụng các hình ảnh từ vệ tinh.

Theo nhật báo Nikkei, Nhật Bản hiện đang tiêu thụ khoảng 26.000 tấn kim loại đất hiếm/năm. Mỏ Đông Pao có nhiều kim loại lanthanum, cerium và nam châm neodymium, đây là những kim loại cần thiết để sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD và các xe ôtô lai (hybrid). Dự kiến, mỏ này sẽ cung cấp 3.000 tấn kim loại đất hiếm/năm vào năm 2013. Sau đó, công suất của mỏ này sẽ tăng lên 6.000 tấn/năm.

Một quốc gia đang “thống lĩnh” thị trường đất hiếm trên thế giới chính là Trung Quốc. Trung Quốc hiện nắm giữ 97% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới và một nửa trong số đó được xuất khẩu sang Nhật Bản.